Lễ hội pháo hoa Nhật Bản

Hàng năm, cứ vào dịp hè khoảng cuối tháng 7 đầu tháng 8, khắp nơi trên đất nước Nhật Bản tưng bừng tổ chức lễ hội bắn pháo hoa. Đến dịp này, người dân xứ sở hoa anh đào lại nô nức kéo nhau đi xem những màn trình diễn pháo hoa tuyệt đẹp trên nền trời đêm.

Pháo hoa (Hanabi) được biết đến như một sản phẩm trí tuệ của người Trung Quốc được sáng tạo vào khoảng thế kỉ thứ 2 trước công nguyên. Nhưng sau khi du nhập vào Nhật Bản một thời gian, pháo hoa đã phát triển một cách mạnh mẽ và ngày nay Nhật Bản đã được biết đến như đất nước có truyền thống nghiên cứu, chế tạo pháo hoa lâu đời.

Lịch sử Hanabi ghi nhận tên tuổi của hai nghệ nhân tài hoa Kagiya và Tamaya, hai ông không chỉ nâng Hanabi thành một môn nghệ thuật mà còn góp phần đưa Hanabi dần phổ biến trong tầng lớp bình dân. Kagiya còn được biết đến với cái tên Yahei, ông đến từ Nara và đã sớm nổi tiếng với những kĩ năng chế tạo pháo hoa từ khi ông còn trẻ. Năm 1659 ông thành công tại Edo với những món đồ chơi pháo hoa, sau một thời gian tiếp tục học hỏi và phát triển kỹ năng của mình, ông đã lập ra một xưởng sản xuất pháo hoa mang tên Kagiya tại Ryogoku. Tamaya còn được biết đến với cái tên Seikichi, ông vốn là một thợ học việc trong xưởng Kagiya nhưng kĩ năng của ông đã sớm vượt người thầy của mình. Năm 1810 Seikichi lập nên xưởng pháo hoa Tamaya như một nhánh độc lập của Kagiya.

Vào cuối thời kì Edo Kagiya và Tamaya đều có những thành công lớn trong việc chế tạo pháo hoa. Năm 1843, một vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra khi Tamaya thử nghiệm sản phẩm mới của ông làm cháy xưởng sản xuất và một nửa thành phố. Sau sự cố này Tamaya đã bị trục xuất, sự nghiệp tiêu tan nhưng những thành quả sáng tạo của ông thì vẫn sống mãi. Ngày nay nhiều thành tựu pháo hoa xuất sắc của Tamaya vẫn được thể hiện trong những bản tranh khắc gỗ cổ xưa được bày bán nhiều tại các cửa hàng lưu niệm.

Lễ hội bắn pháo hoa được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1733. Năm trước đó, toàn nước Nhật đã bị chịu một nạn đói khủng khiếp làm đến 900,000 người chết đói. Vào thời gian đó ở Edo (Tokyo ngày nay) có rất nhiều người bị chết vì bệnh tả và xác chết bị cấm đặt ở trên phố. Chính phủ đã quyết định tổ chức lễ hội bắn pháo hoa với mong ước những linh hồn xấu số được khuây khỏa, cũng như để xua đi bệnh dịch hạch cũng đang xuất hiện.

Người Nhật xem hanabi là “hoa lửa”, giống như sự tồn tại ngắn gọn của hoa anh đào, pháo thăng thiên lóe sáng một cách tráng lệ chỉ trong một khoảnh khắc thoáng qua rồi tan vào trong không khí. Hanabi xem như một sự kiện đại chúng, nhiều người dân đi dạo trong yukata (Kimono mùa hè), uống bia lạnh và mang uchiwa (quạt) - xem pháo hoa vào những đêm hè oi bức.

Cô gái Nhật Bản trong Yukata và quạt chụp hình dưới những màn pháo hoa rực rỡ

Trong khi ngắm những bông pháo nở tung rực rỡ trên bầu trời đêm mùa hạ lấp lánh ánh sao, mọi người tổ chức ăn uống cùng gia đình và bạn bè. Nhiều người đến sớm để có được vị trí thuận lợi ngắm pháo hoa. Người thì trải các tấm chiếu lên chỗ của mình dọc theo bờ sông, người thì lái thuyền dọc theo con sông. Những ngày như vậy đều chật ních người đến ngắm pháo hoa. Nhiều người còn đặt chỗ sẵn trong nhà hàng hoặc khách sạn, nơi có thể ngắm được khung cảnh một cách dễ dàng.

Người dân Nhật Bản chờ xem pháo hoa

Lễ hội pháo hoa được tổ chức khắp nơi trên đất nước Nhật Bản, tuy nhiên lễ hội bắn pháo hoa ở ven sông Sumida, dòng sông chảy về phía đông qua khu vực dân cư đông đúc của Tokyo là một trong những nơi tổ chức lớn nhất. Ước khoảng 2 vạn quả pháo hoa được bắn lên/lần, thu hút hơn 900 nghìn người xem.

Trước đây, những màn trình diễn pháo hoa còn rất đơn giản. Tuy nhiên vào khoảng năm 1879, Nhật Bản mở rộng thương mại buôn bán với nhiều nước và nhập nhiều loại hóa chất mới từ nước ngoài. Từ đó pháo hoa đã có nhiều màu như đỏ, xanh da trời, xanh lá cây và những màn trình diễn khá đặc sắc với đủ dạng hình thù càng trở nên cuốn hút người xem hơn.

Một trong những màn pháo hoa đầu tiên tại Nhật Bản

Hiện nay, pháo hoa Nhật Bản có rất nhiều loại, khác nhau về hình dạng, kích thước và màu sắc:

Starmine: là loại pháo hoa rất thường gặp trong các lễ hội pháo hoa bởi sự lộng lẫy và nổi bật của nó.

Warimono: là loại Hanabi truyền thống của Nhật Bản, Warimono bao gồm nhiều loại Hanabi khác nhau về màu sắc. Khi Warimono nổ trên bầu trời sẽ tạo thành một hình tròn hoàn hảo, thường mang hình dạng của hoa cúc (Kiku) hoặc hoa mẫu đơn (Botan). Đây là loại pháo hoa hoa lộng lẫy nhất trên thế giới. Hoa cúc (Kiku) và hoa mẫu đơn (Botan) có cấu tạo gần giống nhau. Điểm khác biệt duy nhất giữa chúng là “Hosi” (star), một trong những thành phần quan trọng để chế tạo pháo hoa.

Kiku

Botan

Kết hợp giữa Botan và Starmine

Han-Warimono: Han-Warimono cũng gần giống với loại pháo hoa “Kiku” nhưng nó không sử dụng lượng thuốc nổ mạnh như Warimono. Khi nổ trên bầu trời, ánh sáng của Han-warimono chậm rãi rơi xuống mặt đất trông giông như những cành của cây liễu, tạo nên một quang cảnh đẹp tuyệt vời.

Kowari-mono: Mỗi khi xuất hiện, Kowari-mono lại làm đầy ắp cả vùng trời một vườn hoa với những bông hoa duyên dáng khoe sắc trong bầu trời đêm.


Kata-mono: Kata-mono là những loại pháo hoa kiểu mới, Kata-mono có rất nhiều loại với nhiều hình dạng độc đáo như cá, bướm, trái tim, kính râm.

Lễ hội bắn pháo hoa là một trong những lễ hội văn hóa lớn của đất nước mặt trời mọc. Người Nhật rất yêu thích pháo hoa, hàng năm ước tính có đến hàng trăm lễ hội pháo hoa được tổ chức tại khắp các vùng miền Nhật Bản và tất cả đều thu hút rất nhiều người đến chiêm ngưỡng. Pháo hoa cũng thường xuất hiện trong các lễ hội truyền thống, các hoạt động mang tính cộng đồng như đón chào năm mới, kỉ niệm ngày quốc khách, đại hội thể thao... giúp mang lại không khí sôi động cho buổi lễ.

scroll top