[Kỹ sư Việt đi Nhật] Chí trai Trà Văn Đình: “Phải có danh gì với núi sông”

Nguyễn Công Trứ - một danh nhân nổi tiếng của Việt Nam đã từng viết rằng: “Làm trai đứng ở trong trời đất Phải có danh gì với núi sông”. Rõ ràng. Phải có danh gì với núi sông chứ. Sống cả đời làng nhàng thì uổng lắm.

Trên chặng đường chinh phục những mục tiêu của mình, tôi biết rằng mình phải dấn thân và quyết tâm, phải đam mê và chai lỳ, phải thấu hiểu được chính bản thân mình mong muốn được làm gì và khát khao trở thành người như thế nào… Đó sẽ là kim chỉ nam thúc đẩy bản thân vươn lên chinh phục những mục tiêu hằng mong ước và nhất định phải tạo dựng cho mình một sự nghiệp!!! 

thuc-tap-sinh-nhat-ban-esuhai-kaizen-2

 

Trong một lần tình cờ tôi đọc được một quyển sách có tên là: “Cách sống, từ bình thường trở nên phi thường” của danh nhân rất nổi tiếng người Nhật là ngài Inamori Kazuo. Có thể nói rằng từng câu chữ trong cuốn sách đó tác động và ăn sâu vào trong não bộ của tôi. Ngay mặt trong của trang bìa quyển sách có một đoạn trích như thế này: “Cách sống giống như một cây gậy đập vào dòng chảy xiết của thời đại u mê. Tại sao tình trạng u ám bế tắc đó bao trùm lên toàn xã hội. Đó phải chăng là do con người đánh mất phương hướng cuộc đời, không nhìn thấy ý nghĩa cũng như giá trị sống. Điều cần thiết nhất trong thời đại là chúng ta phải đặt lại câu hỏi rất căn bản: Con người sống để làm gì?”. 

Đoạn văn trên thật sự khiến cho tôi rất tâm đắc và dường như cách suy nghĩ mới đã xuất hiện trong tâm trí tôi mà trước giờ chưa từng có. Tôi xin được trích thêm một đoạn trong cuốn sách thể hiện triết lý và quan điểm sống tác giả muốn truyền đạt cho người đọc:
“Lời thì thầm của vị thần – cảm hứng sáng tác chỉ được ban cho những người luôn ấp ủ hoài bão, không bao giờ từ bỏ khát vọng mãnh liệt trong giấc mơ của mình. 

Chúng ta hãy ấp ủ hoài bão đến tận cuối cuộc đời, chúng ta hãy trở thành con người có thể tạo nên tương lai xán lạn cho chính mình.
Sáng tạo và thành công sẽ không bao giờ đến với những người không có hoài bão. Ngay cả sự trưởng thành cá nhân mang tính người cũng không tốt. Bởi vì nhân cách con người được mài giũa và trưởng thành thông qua hoài bão, suy nghĩ và tìm tòi, qua cả quá trình nỗ lực không biết mệt mỏi. Với ý nghĩa đó, tôi muốn nhấn mạnh với các bạn rằng, hoài bão và cách tư duy chính là đã bật nhảy của cuộc đời”. 

Cũng thông qua cuốn sách này đã làm cho tôi hiểu hơn về con người, cách suy nghĩ cũng như phong cách làm việc của người Nhật. Tôi cũng đã phần nào hiểu làm thế nào họ lại trở thành một cường quốc giàu mạnh đến như vậy và tôi tin chắc rằng một trong những tác nhân quan trọng nhất đó chính là cách sống, văn hóa mà cụ thể hơn đó chính là tư duy. Chính tư duy khác biệt so với những quốc gia khác trên thế giới đã làm nên một đất nước Nhật Bản khiến cho chúng ta phải nể phục.
Văn hóa và con người Nhật Bản đã làm cho tôi rất yêu thích và quý trọng. Tôi mong ước một ngày nào đó mình sẽ có cơ hội được sinh sống và làm việc tại đất nước mặt trời mọc này.

Thật may mắn cho tôi khi được tham gia vào chương trình kỹ sư làm việc tại Nhật Bản của Esuhai và được trực tiếp Giám đốc – Hiệu trưởng Lê Long Sơn truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm mà thầy có được thông qua quá trình gian khổ học tập và làm việc tại Nhật. Điều đó dường như đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh và nghị lực để cố gắng đạt được những mục tiêu sắp tới của mình.
Điều quan trọng và mục tiêu phấn đấu của tôi ở hiện tại chính là hoàn thành tốt chương trình đào tạo kỹ sư làm việc tại Nhật của Esuhai. Bởi vì để có thể qua Nhật làm việc với tư cách kỹ sư thì trong vòng một năm cần phải trang bị vốn tiếng Nhật ít nhất là trình độ N3. Đó cũng là mục tiêu của công ty và tiêu chí mà thầy Lê Long Sơn luôn muốn các học trò của mình đạt được để làm hành trang khi sang Nhật làm việc.

Khi đã được sang Nhật làm việc, tôi sẽ cố gắng nỗ lực học hỏi và làm việc thật tốt để nắm bắt công việc, kỹ thuật và tác phong văn hóa làm việc của người Nhật. Bên cạnh đó, cũng như nhiều người, sang Nhật sẽ là cách để tôi nâng cao thu nhập của mình, để có thể trang trải cho cuộc sống ở Nhật và tiết kiệm gửi về quê nhà phụ giúp gia đình. Người ta thường hay nói rằng: “Tiền không phải là tất cả”, thật đúng là như vậy. Nhưng nếu không có tiền thì không chỉ bạn mà còn cả người thân của bạn sẽ rất vất vả. Tôi cho rằng, khi bạn đủ sức lo lắng cho bản thân và gia đình thì đó mới là nền tảng và bệ phóng chắc chắn để bạn mơ ước và thực hiện những mục tiêu to lớn hơn. Còn nếu ngay cả việc lo cho gia đình sung túc mà bạn chưa thể làm được thì đừng bao giờ mơ tưởng đến những việc lớn lao nào khác.

Khi tôi 30, tôi hy vọng mình sẽ được làm việc trong một công ty Nhật chuyên về tự động hóa, lập trình PLC và thiết kế các dây chuyền tự động hóa trong các phân xưởng sản xuất. Trải qua quá trình 10 năm làm việc, đến năm 40 tuổi, tôi đã có trong tay những thành quả nhất định và lúc này sẽ có hai hướng để tôi lựa chọn. Một là tiếp tục cống hiến cho công ty và thậm chí là cống hiến suốt đời. Hai là quay về Việt Nam thành lập công ty liên kết với công ty bên Nhật hoặc mở công ty riêng. Tận sâu trong thâm tâm tôi luôn nghĩ: “Sống là cho đi không chỉ để nhận”.

Và vì thế mục tiêu của tôi không chỉ làm việc để kiếm tiền mà còn có một mong ước có thể đem những gì mà mình đã được học hỏi để phụng sự lại cho xã hội, quan tâm đến những người xung quanh và có trách nhiệm đối với xã hội mà mình sống, để đến một ngày nào đó có thể giúp quê hương của mình phát triển tốt đẹp hơn, giống như đất nước Nhật Bản ngày hôm nay. Tôi tin chắc rằng đây cũng là điều mà bất cứ thanh niên Việt Nam nào cũng muốn làm… 

(Câu chuyện của Trà Văn Đình – Kỹ sư Điện công nghiệp, học viên lớp KS14).


scroll top