Tính trung thực của người Nhật và câu chuyện của thực tập sinh Esuhai tại Nhật

Ở thời đại mà niềm tin và sự tử tế giữa người với người được xem là “xa xỉ phẩm” thì bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Nhật Bản là quốc gia có số lượng máy bán hàng tự động lớn nhất thế giới. Dù trong máy có hàng chục nghìn yên và nằm ở các con ngõ vắng vẻ thế nhưng chưa bao giờ người ta phải lo lắng về việc liệu nó có bị phá hoại hay trộm cắp hay không. Và cũng tại nơi đây, người ta lại có thể dễ dàng bắt gặp các gian hàng "không người bán" được đặt bên vệ đường ở những vùng nông thôn Nhật nhưng chẳng hề xảy ra mất trộm.

thuc-tap-sinh-nhat-ban-esuhai-kaizen-1

Mỗi ngày, người nông dân sẽ mang rau củ quả bày tại một gian hàng và đính kèm giá vào mỗi loại mặt hàng. Nếu ai muốn mua chỉ cần tự chọn tự cân và tự cho tiền vào thùng. Cuối ngày chủ cửa hàng sẽ đến thu dọn hàng và kiểm tiền.

Tại sao người Nhật lại trung thực đến thế? 

Lòng tự tôn dân tộc của người Nhật đã có từ xa xưa, nó dường như đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng khi nói về người Nhật. Những samurai tự mổ bụng khi thất thủ để tránh rơi vào tay quân thù và bị làm nhục có lẽ là hình ảnh tiêu biểu mà người ta hay dùng khi nói về lòng tự tôn của người Nhật. 

Đi cùng với lòng tự tôn thì biết xấu hổ với chính bản thân mình trước khi xấu hổ với người khác cũng là một điều tạo nên tính trung thực của người Nhật. Tự thân mỗi người Nhật đã là một cơ quan công quyền của chính mình, lòng tự trọng của họ chính là chế tài xử phạt. Lòng tự trọng bị tổn thương là hình phạt đau đớn nhất đối với họ.

Một điều góp phần xây dựng tính trung thực của người Nhật đó là hệ thống luật pháp khá chặt chẽ và nghiêm minh. Theo luật đồ đạc thất lạc tại Nhật, nếu ai nhặt được đồ và đưa đến đồn cảnh sát thì họ sẽ được nhận 15-20% giá trị của đồ vật khi có người đến nhận. Còn sau 3 tháng nếu không có ai đến nhận thì người nhặt được đồ sẽ có toàn quyền sử dụng đồ vật đó. Đây cũng là cách khuyến khích người dân thể hiện tính trung thực.

Cho đến ngày nay trong cách giáo dục con cái của người Nhật cũng thể hiện điều này khá rõ. Đối với họ, thông minh và giỏi giang được xếp sau sự tử tế và trung thực.

*********************************

Mới đây khi đứng lớp Oden giảng dạy cho các học viên thực tập sinh chuẩn bị xuất cảnh sang Nhật làm việc, thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn đã kể với các học viên câu chuyện về một thực tập sinh của Esuhai đang làm việc tại Nhật và được công ty tuyên dương vì tính trung thực. Câu chuyện bắt đầu từ hành động đi mua đồ tại một gian hàng “không người bán” của bạn thực tập sinh này. 

Một ngày nọ bạn vô tình ghé ngang một cửa hàng “không người bán”. Bạn đã lấy một ít rau củ quả có ở sạp rồi đi mất mà không trả tiền. Khi bà chủ quán từ dưới vườn đi lên và nhìn thấy như vậy thì bà đã rất buồn lòng và nghĩ bạn trẻ người Việt Nam này thật không tử tế. Nhưng rồi một lát sau thì bà nhìn thấy bạn trẻ nọ quay lại và trả tiền vì hồi nãy bạn không còn đủ tiền nên đã chạy về nhà lấy. Bà cụ cảm thấy rất vui và cũng thấy hơi xấu hổ vì đã nghĩ nhầm cho bạn trẻ nọ. Sau đó bà cụ đã đến công ty nơi bạn thực tập sinh đang làm việc và kể câu chuyện này với vị giám đốc của công ty. Vị giám đốc đã kể lại câu chuyện trên cho mọi người trong công ty nghe và khen ngợi tính trung thực của bạn thực tập sinh trước toàn thể công ty. Không chỉ dừng lại ở đó, câu chuyện trên còn được vị giám đốc đem sang Việt Nam và kể lại cho thầy Lê Long Sơn và các bạn học viên thực tập sinh ứng tuyển vào công ty, với lời nhắn công ty rất tự hào, rất vui vì có các thực tập sinh Esuhai đang làm việc và hy vọng các kouhai cũng hãy tiếp tục học tập thật tốt để sang Nhật làm việc được tốt. Bên cạnh đó đừng quên giữ vững tinh thần và chữ tín như là các bạn đã hứa với công ty. 

Các bạn nghĩ sao về câu chuyện này?!

 

scroll top