May mắn là kết quả của sự nỗ lực [P.2]

Điều gì giúp anh vượt qua quãng thời gian khó khăn khi mới về nước làm nhiệm vụ của quản lý nhà máy tại Việt Nam và nhận mức lương 1,5 triệu/tháng? Đó là vì anh tin tưởng rằng, tương lai của anh sẽ lớn hơn rất nhiều cái mức 1,5 triệu/tháng mà anh nhận bấy giờ.

Nếu trong lòng có niềm tin mình làm ông chủ thì mình sẽ làm ông chủ. Còn nếu mình tính toán thì mình chỉ là công nhân. Muốn làm ông chủ thì phải chấp nhận đầu tư, chấp nhận làm việc nhiều, học nhiều và làm những việc mà người khác không dám làm. 

Mình phải vì mình trước. Bản thân chính là động lực to lớn nhất cho mình. Không có ánh sáng nào sáng hơn ánh sáng của sự quết tâm. Quyết tâm thay đổi chính bản thân mình, từ đó mà gia đình, công ty được lợi và cái lợi này mới tồn tại lâu dài. Còn nếu mình có suy nghĩ tôi vì công ty, vì ông chủ, vì gia đình, vì abc… thì không thể duy trì mãi được và điều đó sẽ trở thành gánh nặng cản bước chân tiến lên của mình.

Lấy mục tiêu, sứ mệnh của mình làm tọa độ để lựa chọn cho mình công việc và môi trường làm việc.

Nhiều bạn trẻ hiện nay thường hay băn khoăn là nên chọn làm việc ở một công ty nhỏ hay làm việc ở công ty lớn. Theo anh, lớn nhỏ không quan trọng mà quan trọng là các em phải xác định được: “Tôi là ai. Tôi đang đứng ở đâu, tôi muốn cái gì?” để lựa chọn cho mình môi trường làm việc và nghề nghiệp theo đuổi suốt cuộc đời. Anh Nguyễn Ngọc Dũng làm việc trong công ty lớn thì anh Dũng chỉ biết một chuyên môn sâu là thiết kế và học nhiều từ công việc đó, còn những việc khác cũng có thể học được nếu chịu để tâm để sức. Còn anh làm việc trong công ty vừa và nhỏ, cái gì cũng thử, cái gì cũng học, cái gì cũng làm.

Người Nhật có một câu thế này: “Ngồi trên đá cũng phải ngồi ít nhất là ba năm đá mới mọc rêu và lúc ấy mới biết được rêu độc hay rêu lợi". Nếu không hiểu rõ điều này mà thay đổi công việc, thay đổi môi trường làm việc liên tục thì cái mà các em có được chỉ là kinh nghiệm đổi việc và thâm niên thôi. Đó không phải là một CV đẹp nếu anh là nhà tuyển dụng. Vì vậy, cho dù nó có khó khăn như thế nào thì cũng phải cố gắng ngồi cho vững các em nhé! 

Với Dũng, từ khóa của anh là ước mơ. Ước mơ theo sát anh là sản xuất được sản phẩm “Made in Vietnam”. Để thực hiện được ước mơ đó buộc bản thân phải chăm chỉ học tiếng Nhật không từ bỏ ngày nào. Khi tiếng Nhật vững mới có thể học thêm nhiều tài liệu kiến thức, trao đổi với đồng nghiệp… Cứ như vậy, anh chưa bao giờ dám chùn bước mà phải luôn cố gắng vượt qua khó khăn để đứng vững trong công việc ở phòng phát triển sản phẩm. Đã sang Nhật và có được cơ hội làm việc, nếu không nỗ lực, nếu bằng lòng với những thứ đang có, nghĩa là đã phí phạm cơ hội đáng lý dành cho một kỹ sư Việt Nam khác xứng đáng hơn mình. 

Có bạn hỏi anh, 03 năm chỉ đi đẩy xe có chán không? Cái gì cũng là công việc, đẩy xe đi thí nghiệm cũng là công việc để ra sản phẩm chất lượng không bị thay đổi và tốt hơn. Công việc của mình cũng có ích. Trong lúc làm việc thì nói chuyện trao đổi bằng tiếng Nhật với những người đồng nghiệp rất nhiều, học hỏi cũng được nhiều.

Có những người lúc 20 tuổi đi đẩy xe nên đến bây giờ thì không còn phải đẩy xe nữa. Ngược lại, có những người 40 tuổi vẫn đang đẩy xe vì lúc trẻ họ không làm công việc này. Cuộc đời con người, lúc trẻ sung sức, càng về sau càng yếu dần. Chọn lúc sung sức nhất để làm công việc khổ cực nhất, chấp nhận đi từ thấp lên và bản thân xác định cuộc đời càng về sau càng phải thành công hơn.

Tình yêu là vĩnh cửu. Nếu có thay đổi chỉ là thay đổi đối tượng yêu còn tình yêu không hề mất đi. Công việc cũng vậy. Cuộc đời có rất nhiều đường để đi. Chúng ta có thể thay đổi ông chủ, thay đổi môi trường làm việc, thay đổi từ một nhân viên bình thường trở thành một ông chủ nhưng tình yêu đối với công việc, đối với sự nghiệp chúng ta đã chọn, đã đeo đuổi là không thay đổi. Phải luôn giữ tình yêu trong tim, ước mơ cũng vậy.

Khi anh còn làm bên Nhật, mỗi lần thầy Lê Long Sơn đến thăm có khi hai thầy trò Oden từ 11 giờ đêm đến 6 giờ sáng, sau đó thầy lái xe chở anh lên Tokyo, ngồi trong xe hai thầy trò lại Oden tiếp nên anh được truyền lửa nhiều lắm.

Đừng bao giờ nói rằng tôi không có cơ hội bởi cơ hội luôn chạy trước mặt mình. Khác nhau là ở chỗ bạn có nhìn thấy được cơ hội hay không, có nắm bắt được cơ hội và sử dụng cơ hội đó như thế nào. Việc các em ngồi học tại trường Kaizen, nghe những bài Oden của giám đốc Lê Long Sơn, gặp gỡ những đàn anh đi trước đã thành công và nghe câu chuyện xương máu của họ, đây thực ra cũng là cơ hội của các em.

09 năm qua anh vẫn luôn giữ bên mình cuốn sổ ghi chép trong giờ học Oden của thầy Lê Long Sơn.Mỗi tháng đều lấy ra đọc và áp dụng được rất nhiều trong cuộc sống và công việc tại Nhật. Những cơ hội như thế này các em nên lưu giữ. Khi sang Nhật các em sẽ thấy những điều chia sẻ ngày hôm nay quý giá như thế nào. 

Việc quan trọng của các em bây giờ là phải xây dựng nền móng cho chắc. Tiền quan trọng nhưng không phải là nhất. Sau này khi các em sang Nhật thay vì suy nghĩ về Việt Nam sẽ tiêu tiền như thế nào thì hãy suy nghĩ sử dụng thời gian làm việc tại Nhật như thế nào cho hiệu quả nhất. Bọn anh làm được, thầy của các em làm được thì các em cũng sẽ làm được thôi. Tự tin lên. Có như vậy thì những chia sẻ ngày hôm nay mới thực sự có giá trị. Chúc các em sẽ thành công bước đi trên con đường của mình!”.

Hết.

Xem lại phần 1: May mắn là kết quả của sự nỗ lực

scroll top