Trong suốt 6 tháng đầu khi sang Nhật, anh Nguyễn Ngọc Trung chỉ được làm duy nhất một công việc là lau máy dù trước đó đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm Kỹ thuật tại Việt Nam. Trong 03 năm ở Nhật, mỗi ngày anh đều làm việc từ 12 - 16 tiếng đồng hồ nhưng không tính một đồng tiền tăng ca. Mỗi ngày anh chỉ dành 3 - 4 giờ đồng hồ để ngủ, phần lớn thời gian còn lại dùng để làm việc, học thêm tiếng Nhật và nghiên cứu kỹ thuật sản xuất linh kiện cơ khí. Trung từng bị ông chủ mắng chửi và những người nước ngoài thì tỏ thái độ khinh miệt và cho rằng người Việt Nam làm việc kém. Khi trở về nước, làm nhiệm vụ quản lý nhà máy tại Việt Nam cho công ty ở Nhật nhưng Trung chỉ nhận được mức lương 1,5 triệu/tháng trong 03 năm trong khi có một công ty ở Bình Dương đã mời về làm giám đốc với mức lương 2.000 USD/tháng nhưng anh lại từ chối…
Còn Nguyễn Ngọc Dũng sang Nhật làm việc theo diện kỹ sư. Tuy nhiên, trong suốt 03, gần như Dũng chỉ được giao làm một công việc là đẩy xe tivi đi thí nghiệm. Ngày nào cũng đi làm từ 12 - 14 tiếng đồng hồ, tối về lại chong đèn học tiếng Nhật đến 2 giờ sáng. Có thời điểm bị chảy máu mũi 7 ngày liên tục nhưng anh vẫn kiên trì việc làm việc học mỗi ngày. Khi công ty rơi vào khủng hoảng phải cắt giảm nhân sự thì Dũng là người nằm trong số đó. Họ cho anh được thôi việc sớm để đi tìm việc mới nhưng Dũng kiên quyết làm đến ngày cuối cùng với ý nghĩ: “Nếu không trung thành với công ty được một lần thì sẽ có lần thứ hai”…
Nếu không có những ngày tháng khổ cực đó, không có sự kiên trì nhẫn nại theo đuổi đến cùng để thực hiện được mục tiêu và đam mê của mình thì liệu sẽ có một Nguyễn Ngọc Trung và một Nguyễn Ngọc Dũng của ngày hôm nay? Từ một người tay không sang Nhật làm việc với tư cách là một Tu nghiệp sinh, sau 10 năm, Nguyễn Ngọc Trung trở thành Tổng Giám đốc công ty gia công cơ khí chính xác O. N. Precision, một trong những nhà cung cấp linh kiện máy uy tín hàng đầu cho những “người khổng lồ” trong nền công nghiệp sản xuất Nhật Bản như Sony, Olympus, Canon, Honda…. Hiện O. N. Precision là công ty sở hữu công nghệ gia công cơ khí chính xác đến 3micromet và tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp Nhật Bản.
Còn Nguyễn Ngọc Dũng, từ một anh nhân viên đẩy xe sau đó đầu quân cho Hisaka, một công ty về máy trao đổi nhiệt hàng đầu Nhật Bản chiếm 80% thị phần nội địa và 40% thị phần thế giới. Công việc của Dũng là thiết kế, hướng dẫn vận hành máy trao đổi nhiệt cho các nhà máy lọc dầu, nhà máy điện hạt nhân, nhà máy nhiệt điện, tàu thủy hạng lớn... Sau 09 năm sang Nhật làm việc, hiện tại ngoài công việc thiết kế, Nguyễn Ngọc Dũng còn phụ trách đào tạo, hướng dẫn việc cho các kỹ sư người Nhật của Hisaka. Sắp tới anh có kế hoạch trở về nước và đề xuất công ty bên Nhật mở chi nhánh tại Việt Nam. Dũng sẽ nhận các dự án và đưa về Việt Nam thiết kế, sản xuất. Điều này vừa giúp hạ giá thành sản xuất cho công ty Nhật vừa tạo được việc làm cho kỹ sư và người lao động trong nước.
Làm thế nào để làm việc được, làm việc tốt với người Nhật, trong công ty Nhật?
Làm thế nào để có thể học được kỹ thuật sản xuất, công nghệ của người Nhật?
Làm thế nào để xây dựng được niềm tin với ông chủ Nhật?
Nên chọn làm việc trong công ty lớn hay công ty nhỏ để phát triển được chuyên môn tay nghề?
Điều gì giúp các anh trụ vững và thành công khi làm việc tại Nhật, làm việc với người Nhật trong khi thực tế con đường này đầy những khó khăn?
…
Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho cả anh Nguyễn Ngọc Trung và Nguyễn Ngọc Dũng trong buổi giao lưu. Bằng sự dẫn dắt của thầy Lê Long Sơn cùng những câu chuyện kể thực tế của hai anh, trong gần 05 tiếng đồng hồ giao lưu, rất nhiều thông tin quý giá đã được chia sẻ lại với các bạn kỹ sư.
Anh không cần biết các em tuổi gì nhưng khi đã đặt chân sang Nhật thì các em đều phải đổi qua tuổi Sửu hết (cười lớn). Các em phải làm, phải cày cật lực thì mới học được nhiều, biết được nhiều từ trong chính công việc mà các em sẽ làm.
Đi làm, không ai cầm tay chỉ việc cho mình cả mà phải vừa làm vừa học vừa nghiên cứu để chứng minh cho người ta thấy là mình sẽ làm được.
Người Nhật sẽ sẵn sàng trao đổi công việc, tận tâm chỉ bảo cho mình nếu mình thể hiện với họ là mình muốn đến để làm việc, làm việc một cách nghiêm túc và trách nghiệm, tạo ra sản phẩm, ra tiền, ra lợi ích thực sự cho công ty chứ không phải đến để lấy cắp cái nghề của họ rồi về. Cách mình làm việc, cách mình đối xử với người ta, mình tự hào là người Việt Nam và mình cũng yêu mến đất nước Nhật… Những điều đó sẽ quyết định cách mà họ sẽ đối xử với các em.
Mỗi ngày anh đều đi làm sớm, hết giờ làm lại tiếp tục ở lại làm thêm học thêm mà không lấy tiền tăng ca. Về đến nhà lại tiếp tục thức tới 2 - 3 giờ sáng để học tiếng Nhật. Cứ như vậy suốt một thời gian dài, Giám đốc công ty thấy, ông ấy bắt đầu trao đổi chỉ dạy công việc bắt đầu từ những lúc ngồi uống trà, trò chuyện cùng nhau. Sau 6 tháng lau máy, Giám đốc bắt đầu chỉ cho anh từng chút về mài dao… Cuối tuần, chính ông chủ đã tháo hẳn một cái máy đang sử dụng ra cho anh tìm hiểu về máy, học lắp ráp, sửa chữa, gia công, lập trình, vận hành, quản lý hệ thống… để sau này khi chuyển giao máy móc nhà xưởng về Việt Nam thì anh có thể tự làm mọi thứ.
Cuộc sống là quá trình. Không có thành công nào không trải qua gian nan khổ cực. Anh có đọc được một câu thế này: “Chỉ trong từ điển mới có chữ success đứng trước work, còn trong cuộc sống work luôn đứng trước success”. Sang Nhật có nhiều khó khăn, bởi nơi đó không phải là xứ của mình. Chỉ cần người ta nói mà mình không hiểu được thì cảm thấy rất khó chịu, bức bối và xấu hổ. Tập thích nghi, đầu tư học tiếng Nhật, kiên nhẫn và có thái độ tốt của người đi làm với công ty là những yếu tố rất quan trọng để các em sống và làm việc được tại Nhật.
Đừng sợ bị la mắng. Có người từng hỏi anh vì sao nói tiếng Nhật lại tốt như vậy, anh đã trả lời rằng: “Vì được la mắng rất nhiều mà nói tiếng Nhật tốt hơn”. Việc bị la mắng khi đi làm là bình thường. Khi chúng ta vào công ty của họ thì đồng nghĩa chúng ta là người trong nhà của họ. Trong cách dạy con của người Nhật, họ thường la mắng và coi đó là trách nhiệm để đứa con của họ tốt lên. Có nhiều bạn trẻ Việt sợ bị người khác la mắng và cảm thấy tự ái vì cho rằng bản thân mình học đại học ra, có trình độ tại sao lại bắt mình đi lau máy, đẩy xe, làm việc lặt vặt… Từ sự tự ái rồi đâm ra chán nản áp lực, không giữ được bình tĩnh và từ bỏ, đổ gãy ngay từ khi mới bắt đầu, quên đi mục tiêu mà mình đã chọn đến đây.
Biết đem cái “tôi” hạ xuống. Người Nhật có một văn hóa rất là hay. Cái gì là “tôi” thì hạ xuống còn cái gì là của bạn, của họ thì lại nâng lên. Ví dụ, trong tiếng Nhật, vợ của mình thì được gọi là “Tsuma” còn vợ người ta thì lại được gọi là “Okusama”. Thay vì cự cãi, chống đối bản năng thì đừng quên phải luôn giữ được mục tiêu của mình, xác định được cái gì là quan trọng nhất mà nhẫn nại, cố gắng và chứng minh cho người ta thấy bằng thành quả thực tế mà mình làm.
Đi Nhật, coi bản thân là một chiến sĩ cách mạng. Bước vào chiến trường, mình không biết địch đang núp ở góc nào buộc phải đụng đâu thì đánh đó, phải vùng dậy chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Người nào chưa đi đã sợ hoặc mới chỉ gặp một chút khó khăn áp lực đã muốn buông súng thì không thể nào thành công được. Giới hạn của con người là vô hạn. Cho dù các em học 10 năm tiếng Nhật tại Việt Nam các em cũng chẳng thể hiểu được người ta nếu các em không muốn hiểu. Còn dù các em chỉ học 01 năm nhưng bản thân có mong muốn tìm hiểu và hiểu người ta thì trong cái khó ló cái khôn sẽ tìm ra cách để học được, hiểu được và làm việc được.
Còn tiếp