Giai đoạn trẻ con được tính từ khi một người sinh ra đến trước tuổi 20. Đây là giai đoạn mà chúng ta chưa tự lo được cho bản thân và phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Lúc này, những người lớn trong gia đình, cộng đồng xã hội chấp nhận điều đó và họ sẽ giúp đỡ ta, chăm lo cho ta như một lẽ đương nhiên.
Ở giai đoạn này, nhiệm vụ chính của chúng ta là ăn và học tập cho thật tốt những gì mà thầy cô, gia đình, xã hội dạy dỗ, chỉ bảo. Cuộc sống đang dang tay chào đón và hãy tận hưởng bằng hết những gì cuộc sống trao tặng đi nhé.
Giai đoạn thứ hai bắt đầu khi chúng ta bước vào tuổi 20 và kéo dài đến trước 30 tuổi. Đây được coi là giai đoạn “nhạy cảm” bởi nó là giai đoạn dễ gây ra những xáo trộn lớn trong cuộc đời khi chúng ta phải chuyển mình từ một đứa con nít trở thành một người tự lập trước khi bước vào giai đoạn người lớn.
Giai đoạn này bạn sẽ có một công việc có thể tự nuôi sống bản thân thay vì phụ thuộc vào cha mẹ như trước giờ. Đây cũng là giai đoạn mà mỗi người sẽ tự khám phá bản thân, thử thách chính mình, học hỏi nhiều điều không chỉ từ trường học hay sách vở nữa mà sẽ bước chân ra ngoài xã hội, học từ trường đời, từ cuộc sống thực tế. Sẽ có những thành công và cả những vấp ngã. Bạn sẽ cần nhiều thời gian để thử nghiệm từng thứ rồi mới xác định được sở trường và ước mơ thật sự của mình.
Giai đoạn thứ ba là giai đoạn dài nhất và “khổ” nhất trong cuộc đời mỗi người. Còn "khổ" như thế nào là tùy theo cách lựa chọn của bạn. Lúc này, cuộc sống tặng bạn những món quà và cũng không quên mang cho bạn những rắc rối. Trách nhiệm nhiều lên, khó khăn cũng chồng chất khi chúng ta phải cõng trên vai các gánh nặng trách nhiệm với gia đình: ông bà, cha mẹ, con cái, với công việc, với xã hội và với chính bản thân mình.
Nếu ở giai đoạn thứ hai, bạn có thể thử rất nhiều thứ thì giai đoạn thứ ba này, mỗi người lại tập trung hết sức vào thứ mà mình giỏi nhất, tốt nhất và trân trọng nhất đối với mình. Bạn trở thành một người như thế nào khi chết đi dường như là kết quả của giai đoạn này trong cuộc đời.
Bước vào giai đoạn thứ tư, tuổi già của bạn có được thanh thản, vui vẻ hay không cũng nhờ rất nhiều vào giai đoạn tự lập bạn đã chuẩn bị như thế nào và khi trưởng thành bạn đã sống và làm việc ra làm sao. Đây sẽ là lúc bạn làm những điều mình mong muốn mà trước đây chưa có thời gian làm cũng như tận hưởng những gì bạn đạt được sau nhiều năm lao động miệt mài. Giai đoạn này, người ta thường có mong muốn để lại một cái gì cho thế hệ mai sau thông qua những kinh nghiệm, tài năng hay tài lực của mình.
“Học viên của Kaizen tất cả đều đang ở giai đoạn thứ hai. Đây là lúc mà các em sẽ thực nghiệm tất cả những gì đã học được trước đó vào công việc và cuộc sống.
Khi các em bước vào giai đoạn tự lập thì lúc này bố mẹ chúng ta đang ở giai đoạn trưởng thành. Họ vẫn đang làm việc, đang có sức khỏe và tự lo được cho mình, tích lũy cho lúc về già.
Lúc này, nhiệm vụ của các em ngoài tích lũy tài chính thì mục tiêu trọng điểm là tận dụng 03 năm mình có tại Nhật để tăng tốc trải nghiệm, phát triển ngôn ngữ tiếng Nhật của mình lên khả năng cao nhất, tích lũy kinh nghiệm sống, kỹ năng làm việc, kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội cần thiết, học cách đối nhân xử thế, nuôi dưỡng những mối quan hệ tốt đẹp. Va chạm với thử thách mới, thất bại, đau khổ, rủi ro lẫn vui sướng, hạnh phúc; Đến một nơi chưa từng đặt chân, gặp gỡ những người lạ, học hỏi những điều mới mẻ nắm và nắm bắt những cơ hội trong cuộc đời… Những điều đó giúp các em xây dựng nên con người mình dần hoàn chỉnh.
Thầy muốn kể cho các em nghe về bông lúa – hình ảnh rất đỗi thân thuộc đối với người Việt Nam chúng ta. Một bông lúa nặng hạt thì thường trĩu xuống còn bông lúa lép thì thường đứng thẳng lên. Các em đừng sợ cúi đầu thấp hơn người khác bởi vì đại diện của một con người trọng danh dự, có tri thức và thái độ tích cực thì luôn khiêm nhường.
Nếu làm tốt những điều này thì khi bước vào tuổi 30 các em sẽ có một tư thế vững vàng, một trái tim khỏe để đương đầu với những bão táp có thể ập đến ở giai đoạn trưởng thành cũng như đủ tự tin chăm lo cho gia đình và bắt đầu phát triển sự nghiệp.
Nếu ở giai đoạn này mà các em chỉ chăm chăm kiếm tiền rồi gửi về giúp đỡ gia đình hay tạo ra thói quen tiêu xài ở bố mẹ thì tự các em đã, đang và sẽ đẩy gia đình và chính các em vào sự khốn khó, dằn vặt, khó chịu ở tương lai. Bởi có một sự thật là, các em không thể ở Nhật mãi, cũng có thể sẽ không thể kiếm được nhiều tiền giống như vậy khi trở về Việt Nam. Số tiền mà các em kiếm được trong 03 năm này không thể nuôi bố mẹ cả đời trong khi các em còn có trách nhiệm chăm lo và xây dựng cho mình.
Còn nếu khi sang Nhật mà các em lại lo ăn chơi, mua sắm thì chính các em cũng đang kéo dài tuổi trẻ con của mình ra và gây khó khăn cho tuổi trưởng thành của mình. Cuộc sống tại Nhật Bản và Việt Nam rất khác biệt. Và khi chúng ta đi trên mặt đất thì mới vững chắc, còn đi trên mây không thể định hình được sẽ mất phương hướng, đến khi quay trở về Việt Nam sẽ hụt hẫng và khủng hoảng. Cuộc đời nếu không có bánh lái, không vững tay chèo thì sẽ trôi tự do vào vùng xoáy sâu nhất của vũng nước và tan xác chốn xa xôi.
Điều cuối cùng mà thầy muốn nhắn nhủ đến các em chính là, trong 10 năm này hãy học cách để trở thành một người lớn thực thụ thay vì học đòi làm người lớn chưa thực sự trưởng thành. Đời con của các em sẽ sung sướng khi các em là con bướm và đời chúng sẽ đau khổ, khó khăn khi các em là những con nhộng già. Khi con cái có điều kiện để học tốt, nó sẽ có cơ hội để phát triển lên cao, xã hội Việt Nam cũng sẽ bớt đi những gánh nặng. Mong các em hãy nhớ điều này và mang theo trong hành trang đến Nhật, học viên của Kaizen nhé!”.