Có một câu hỏi mà thầy Sơn thường hay nói với các học viên rằng: “Em muốn là một người trưởng thành hay bị coi là một đứa con nít? Chỉ cần em xác định được điều này thì mọi vấn đề sẽ tìm được cách giải quyết thỏa đáng”.
Có rất nhiều cách thức khác nhau để định nghĩa về người trưởng thành nhưng chung quy lại, trưởng thành là hành trình của lý trí và cái giá của sự trưởng thành là vấp ngã và tổn thương. Trưởng thành là khi người ta đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi: “Tôi là ai trong thế giới này?”. Và trưởng thành là khi người ta đủ bao dung ngay cả với những gì mình không thích và vẫn giữ nguyên nụ cười dù mắt có ngân ngấn nước…
Còn con nít chính là người chưa đạt được “trình độ” trên và dễ dàng làm toáng hay khóc lóc ầm ĩ lên khi không dành được thứ mình muốn. Và con nít là người chưa nhận thức được chướng ngại vật lớn nhất không gì khác ngoài ý chí của chính mình.
Một đứa con nít cũng giống như một chú gà con vậy. Gà con nhìn thì dễ thương nhưng lại vô cùng yếu đuối, luôn cần sự chăm sóc và bao dưỡng của gà mẹ bới đất tìm giun để cho gà con ăn. Tới một ngày, gà mẹ rồi cũng sẽ già đi hoặc là sẽ lại phải chăm sóc, kiếm mồi cho những lứa gà con khác ra sau nữa. Mỗi chú gà con đều phải nhanh chóng lớn lên để có thể tự đào mồi kiếm ăn nuôi chính mình và giúp đỡ những con gà nhỏ hơn. Con người cũng vậy, muốn là người trưởng thành thì mỗi người luôn phải tự nỗ lực để thoát khỏi thời kỳ gà con.
“Khi lựa chọn đến một đất nước xa lạ để học tập và làm việc, các em phải xác định rõ đây sẽ là chuyến đi bão táp, rất nhiều khó khăn và chông gai đang đợi chờ phía trước buộc các em phải vượt qua. Sự khó khăn đó đến từ nhiều phương diện khác nhau: từ khác biệt văn hóa, môi trường sống và làm việc, ngôn ngữ giao tiếp, những người đồng hành và ngay cả chính bản thân các em từ chối tiếp nhận thực tế.
Cụ thể hơn, khi các em đậu phỏng vấn sang Nhật làm việc, trong lòng các em đang tưởng tượng rất nhiều thứ, nhiều tình huống rằng công ty sẽ thế này, mọi người sẽ thế này rồi môi trường sống và làm việc thế kia… Đến khi sang thực tế có thể không được như trong tưởng tượng và mong chờ thì lại bày tỏ sự chán nản, hắt hủi ông chủ và công ty. Không chú tâm làm việc và ganh tỵ với những người khác, cho rằng mình phải xứng đáng nhận được thứ tốt đẹp hơn dẫn đến bắt đầu đổ lỗi cho hoàn cảnh, số phận, ông trời và phủ nhận sự thành công của những người khác… Nếu tình trạng này kéo dài thì chỉ có thể dẫn tới kết quả là ông chủ ghét các em, không coi trọng em và kết thúc hợp đồng, em nghỉ việc về nước hoặc em tiếp tục làm việc trong trạng thái giống như bị tra tấn, không có lấy một tí vui vẻ và nhiệt huyết nào. Nếu vậy thì ba năm này, chuyến đi này giống như là địa ngục vậy. Đồng nghĩa với đó là chuyến đi này của em chẳng kiếm được gì ngoài tiền và sự đau khổ, bài xích dồn nén trong tim.
Và rồi lại cũng có những khó khăn nhỏ đến từ cuộc sống đời thường như: ở tập thể nhưng ăn uống không hợp khẩu vị; Gặp những người xấu xí có tính ăn cắp, ăn trộm hay tự ý mượn đồ không xin phép; Kết bè nhóm chơi chung và tẩy chay những người còn lại, không tôn trọng trưởng nhóm hay muốn được nhanh chóng chứng tỏ bản thân trong khi mới là một Thực tập sinh đang học việc…
Thực tế là, bát đũa còn có lúc xô. Khi chúng ta sống cùng những người yêu thương mà đôi khi còn xảy ra những bất đồng khó tránh khỏi huống chi là ra ngoài xã hội với những con người xa lạ và khác biệt.
Thực tế là, cuộc sống vốn không công bằng. Chúng ta không thể thay đổi được thế giới xung quanh nên hãy tự sửa đổi chính mình. Một đầu óc khôi hài dí dỏm sẽ làm cho mọi khó khăn trở nên dễ chịu. Trong bất cứ hoàn cảnh nào thầy cũng luôn lạc quan để vững vàng đối mặt và vượt qua tất cả. Thầy mong các em ở đây cũng hãy suy nghĩ và nhìn nhận theo chiều hướng tích cực như vậy”.
Vậy nên làm như thế nào để có động lực, có thể trở thành người trưởng thành thay vì là một đứa con nít???!!!
Triệt để học tập và ứng dụng theo phương châm sống như đóa sen mà ông bà ta đã nói: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Có rất nhiều câu nói, câu chuyện vô cùng ý nghĩa trong việc tạo động lực mà bạn có thể tham khảo trên sách, báo, internet. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chính bạn biết biến những tiêu cực theo chiều hướng tích cực thông qua suy nghĩ và hành động.
Bởi vì mỗi người trong chúng ta đều là những người đặc biệt nên đừng làm mòn giá trị của bản thân bằng việc so sánh bạn với người khác.
Bạn có thể phàn nàn vì hoa hồng có gai, hoặc bạn có thể hoan hỷ vì trên một cành gai lại có hoa hồng.
Kỵ nhau thì gì bằng nước với lửa, thế mà khéo dùng, đem lửa đun nước thì được bao nhiêu việc.
Cách yêu một con nhím không phải là nhổ hết gai trên người nó, mà là phải học được cách làm thế nào để tìm được một cự ly thích hợp, có thể sưởi ấm cho nhau nhưng lại không bị đối phương đâm gai vào mình.
Hãy cảm ơn những muộn phiền. Vì khi bạn biết ơn những muộn phiền, chúng có thể trở thành điều may mắn và mang lại niềm vui cho bạn. Hãy cảm ơn những lúc bạn mệt mỏi. Vì sự mệt mỏi hay đuối sức chứng tỏ bạn đã rất nỗ lực.
Gặp phải việc ngoài ý muốn, đau khổ thì cứ khóc lóc. Nhưng khóc xong, vẫn nên bước tiếp. Chúng ta được quyền mạnh mẽ, được quyền sắt đá, nhưng đừng quên ta vẫn còn được quyền đón nhận yêu thương…
“Kaizen giống như một khu vườn và thầy là bác nông dân chăm sóc khu vườn ấy. Thầy thiết kế khu vườn thành từng mảng nhỏ và trồng những loại cây trái phù hợp với từng vị trí trên khoanh đất. Hàng ngày thầy chăm chỉ tưới nước, bón phân, bắt sâu, tỉa lá cho vườn cây. Qua mỗi ngày, mỗi năm hấp thụ ánh nắng mặt trời, nguồn dinh dưỡng từ đất và sự cần mẫn của người chăm sóc mà cây trong vườn bắt đầu lớn dần lên, xanh tươi, ra lá, ra cành, đơm hoa và kết trái.
Tại Kaizen, các em được các thầy, cô đào tạo tiếng Nhật, trang bị những kỹ năng, tác phong giúp các em đủ tự tin, đủ vững chãi để có thể xử lý các tình huống phát sinh với tư cách là một người trưởng thành khi đến với môi trường mới.
Tuy nhiên, các em phải nhận thức rõ một thực tế rằng, trong cuộc sống, ở mỗi môi trường, mỗi công ty, mỗi ông chủ sẽ có nguyên tắc kinh doanh và triết lý sống khác nhau. Có thể các em sẽ gặp được mảnh đất màu mỡ nhưng cũng có thể là một mảnh đất băng giá, khô cằn. Khi đó, các em phải trở thành những cây xương rồng. Dù trong môi trường, điều kiện khắc nghiệt như thế nào đi chăng nữa cũng nhanh chóng bám rễ, thích nghi và hút tất cả chất dinh dưỡng tốt nhất để sống, tự chăm sóc bản thân mình và vươn lên một cách mạnh mẽ nhất có thể. Có như vậy thì công sức, tâm huyết mà thầy và các thầy cô của trường bỏ ra trong một năm mới không uổng phí.
Các em không trưởng thành, chẳng ai trưởng thành thay em được. Con đường của các em chính các em phải tự đi, tự leo núi, vượt sông. Cuộc sống này người ta chỉ phục vụ mình khi mình có tiền, không ai có nghĩa vụ phải phục vụ, chăm lo cho mình mà chính mình phải làm điều đó và phải xây dựng thành thói quen có ý thức phục vụ người khác, phục vụ xã hội.
Người ta thường nói rằng, đồng tiền đi liền trách nhiệm. So với ở Việt Nam, khi làm việc tại Nhật các em nhận được một mức lương cao gấp nhiều lần thì có nghĩa trách nhiệm và sự đóng góp phải tăng cao tương đương như thế. Để người Nhật, sếp Nhật thấy được giá trị của em, sẽ tin tưởng và coi trọng em, mời các em đi chơi, đi ăn chung hay thậm chí đưa các em về thăm nhà người ta, làm bạn. Các em phải làm thế nào mà khi các em hết hợp đồng về nước thì họ cảm thấy tiếc nuối khi mất đi một người nhân viên tài năng và thạo việc như các em hay khi công ty người ta có kế hoạch đầu tư vào thị trường Việt Nam thì các em là một trong những người mà họ nghĩ tới, họ tin tưởng và muốn các em trở thành người quản lý tại chi nhánh Việt Nam.
Vì vậy, để thành công, hãy nhanh chóng trưởng thành, các em nhé!”.