Kỹ sư Văn Hải giao lưu cùng các kỹ sư KYS

ESO - Chiều ngày 26.12.2014, Kỹ sư Trần Văn Hải - cựu học viên KaizenYoshidaSchool (Kỹ sư lớp KS4) đã có buổi giao lưu gặp gỡ chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, những bài học thực tiễn về đời sống và công việc của kỹ sư Việt Nam trên đất Nhật cùng các bạn kỹ sư KS7 - KS8 nhân dịp anh ghé thăm trường trong kỳ nghỉ phép về Việt Nam.

Kỹ sư Văn Hải tại công ty Esuhai

Kỹ sư Trần Văn Hải chia sẻ kinh nghiệm với lớp KS7 và lớp KS8

Buổi chia sẻ kinh nghiệm của kỹ sư Trần Văn Hải diễn ra sôi nổi dưới hình thức vấn đáp. Các bạn học viên KS7 & KS8 chủ động đặt những câu hỏi mà đa số các bạn kỹ sư trẻ tham gia chương trình “Xây dựng thương hiệu và đẳng cấp kỹ sư Việt Nam” còn trăn trở, vướng mắc.


Kỹ sư Trần Văn Hải nhiệt tình trả lời các câu hỏi của các bạn KS7 & KS8

Với kinh nghiệm gần một năm làm việc tại công ty chuyên về vật liệu hợp kim siêu cứng, kỹ sư Trần Văn Hải đã nhiệt tình trả lời mọi vấn đề thắc mắc của các bạn kỹ sư KS7 và KS8.

Ngoài tiếng Nhật, theo anh thì các bạn kỹ sư nên chuẩn bị thêm hành trang gì cho hành trình sang Nhật làm việc?  - Bạn Lê Xuân Long (KS8)

Anh Văn Hải: Có thể đến Nhật khi vấp phải những khó khăn đầu tiên bạn sẽ tự trách mình: Sao không học tiếng Nhật chăm chỉ hơn? Sao không cố gắng trau dồi kiến thức chuyên môn? Nhưng tự trách cứ mình thì chẳng có ích gì! Bạn chỉ cần chuẩn bị cho mình mục tiêu cụ thể, mục đích rõ ràng và bắt đầu dồn hết tâm trí để biến chúng thành hiện thực. Quan trọng nhất là luôn nỗ lực sống và làm việc để trả lời cho câu hỏi: “Sau mười năm nữa bạn sẽ là ai? Làm gì? Và đứng ở vị trí nào?"

Theo anh Hải, mục tiêu và mục đích khác nhau như thế nào? Và mục tiêu, mục đích của anh khi tham gia chương trình “Xây dựng thương hiệu và đẳng cấp kỹ sư Việt Nam” là gì? Bạn Võ Văn Kịnh (KS8)

Anh Văn Hải đáp: Mục tiêu là “tập hợp con” của mục đích. Mục đích mang tính sứ mệnh, chiến lược dài hạn, là kết quả cuối cùng bạn muốn đạt được. Nhưng để đạt được mục đích đó bạn phải tự đặt ra và hoàn thành rất nhiều mục tiêu. Nghĩa là bạn chỉ có duy nhất một mục đích nhưng lại có hơn một mục tiêu.

Lấy mình làm ví dụ cho dễ hiểu nhé! Mình đã có chút lầm tưởng về mục đích và mục tiêu. Trước khi tham gia chương trình “Xây dựng thương hiệu và đẳng cấp kỹ sư Việt Nam”, mình cho rằng mục đích đi Nhật của mình để phát triển sự nghiệp nhưng sau khi học ở trường Kaizen và sang Nhật làm việc mình đã xác định lại mục đích sang Nhật làm việc của mình là sau sáu năm nữa có thể thuyết phục công ty hiện mình đang công tác đầu tư mở chi nhánh ở Việt Nam. Như các bạn đã biết, công ty mình làm về lĩnh vực hợp kim siêu cứng. Tuy lĩnh vực này chưa có mặt ở Việt Nam nhưng rất tiềm năng. Bởi vì, ở phía Bắc nước ta đang có nguồn quặng kim loại hiếm được dùng trong chế tạo hợp kim siêu cứng này. Nhưng để đạt được mục đích đó, hiện tại mình đang có rất nhiều những mục tiêu phải hoàn thành cụ thể như: sang năm mình phải lấy N2 tiếng Nhật, hằng ngày phải tranh thủ học thêm các kiến thức chuyên ngành, phải tạo được sự tin tưởng của công ty,… Các bạn thấy đấy nếu mình đạt được các mục tiêu và mục đích đã đề ra thì sự phát triển trong sự nghiệp của mình sẽ hiển nhiên là phần thưởng cho rất nhiều nỗ lực đã bỏ ra. Mục tiêu trước mắt của mình là làm tốt nhất công việc tại công ty.(cười)

Em được biết rằng sang Nhật làm việc sẽ không có nhiều thời gian cho việc học tiếng Nhật, vậy anh có thể chia sẻ phương pháp học của anh được không ạ? Bạn Nguyễn Quốc Quyền (KS8)

Anh Văn Hải (cười): Chúng ta có thể có rất nhiều phương pháp nhưng phương pháp sẽ chỉ là lý thuyết khô cứng và máy móc nếu không được áp dụng linh hoạt. Quả thực mình không có thời gian nhiều cho việc học và cũng chẳng có phương pháp gì ngoài tự học mọi lúc, mọi nơi. Mình học hán tự ngay trên bảng vẽ kỹ thuật, học trên đường từ nhà đến công ty. Mình cố gắng không nói tiếng Việt mặc dù mình đang sống cùng với một bạn kỹ sư Việt Nam khác. Nhưng quan trọng nhất là bạn phải học trong tâm trạng thoải mái vui vẻ, phải nghĩ rằng học tiếng Nhật là một thú vui giải trí sau giờ làm việc như chơi game vậy. Hiện tại, mình cũng đang dịch tài liệu tiếng Nhật sang tiếng Việt để cùng chia sẻ kiến thức với bạn bè. Đây cũng là một cách học từ vựng khá hiệu quả đấy!

Những khó khăn mà anh đã trải qua trong 8 tháng đầu làm việc ở Nhật là gì? Bạn Trương Quang Cảnh (KS7)

Anh Văn Hải đáp: Nói đến khó khăn của kỹ sư Việt làm việc tại Nhật thì nhiều vô kể nhưng những khó khăn ấy có đáng gì khi chúng ta đã quyết tâm chọn con đường đến Nhật làm việc để phát triển sự nghiệp và đằng sau chúng ta là niềm hy vọng của gia đình.

Vấn đề hạn chế về tiếng Nhật vẫn là khó khăn lớn nhất. Đôi khi, bạn sẽ không hiểu được yêu cầu của cấp trên. Bạn chỉ nên phán đoán theo tỷ lệ: 80% chắn chắn và 20% đoán thôi nhé! Nếu chưa thực sự hiểu đừng ngần ngại hay lo sợ việc hỏi lại. Chủ quan phán đoán sẽ dẫn đến việc làm sai, bạn càng mất thời gian để sửa sai và bạn biết tính cách của sếp Nhật sao rồi đấy! Họ có thể kiên nhẫn nghe bạn hỏi và nhẫn nại hướng dẫn bạn đến lần thứ ba nhưng sẽ không chấp nhận việc bạn chủ quan phán đoán, cẩu thả trong công việc.

Nếu chẳng may bạn gặp một người sếp khó tính thì đừng để cảm tính tiêu cực làm ảnh hưởng mối quan hệ công việc của bạn. Hãy thử nghĩ một cách tích cực rằng: “Sự khó tính cũng là một điểm cộng giúp mình hoàn thiện bản thân.”

Khi sang Nhật làm việc, ngoài những công việc thuộc chuyên môn, kỹ sư phải làm những công việc lệch chuyên môn, vậy làm thế nào để cân bằng và làm tốt những việc đó? Thêm vào đó, anh có thể chia sẻ anh thường làm gì khi căng thẳng được không ạ? Bạn Mai Kim Tuấn (KS7)

 Anh Văn Hải đáp: Những ngày đầu, mình làm việc ở xưởng máy nhưng một thời gian sau được chuyển lên phòng quản lý chất lượng. Công việc ở đây phần nhiều liên quan đến vật liệu. Mình phải tra cứu rất nhiều từ điển chuyên ngành bằng tiếng Nhật và nhờ các chuyên gia người Nhật giảng dạy thêm, nhiều khi phải mất ba ngày mình mới hiểu khái quát một khái niệm hay một cụm từ mới. Bí quyết để cân bằng khi làm việc lệch chuyên môn là nuôi dưỡng sự tò mò và lòng hứng khởi khi bắt gặp những kiến thức mới mẻ. Mình đã tìm thấy niềm đam mê trong lĩnh vực công nghệ vật liệu.

Vừa học vừa làm vô cùng áp lực, sẽ có lúc bạn đi đến tận cùng của căng thẳng, những lúc đó mình luôn tự hỏi: “Vì sao mình ở đây và cố gắng trải qua hết mọi khó khăn này?” để lấy lại tinh thần và động lực tiếp tục phấn đấu vì những mục tiêu ban đầu đã đặt ra.

Làm thế nào để tạo dựng lòng tin và xây dựng hình ảnh kỹ sư Việt với sếp và đồng nghiệp người Nhật? Bạn Phan Mạnh Cường (KS7)

Anh Văn Hải chân thành chia sẻ: Xây dựng lòng tin và tạo ấn tượng tốt đẹp dường như là những việc đơn giản nhất nhưng cũng khó khăn nhất. Người Nhật vừa kỹ tính vừa tinh tường. Họ sẽ đánh giá bạn ngay trong những hành vi đời thường của bạn. Ví dụ như thông qua cách bạn kiếm tiền và tiêu tiền họ có thể đánh giá động cơ đến Nhật của bạn là vì tiền hay vì đam mê học hỏi. Do đó, hãy chi tiêu hợp lý, đừng bận tâm nhiều đến tài chính.

Sếp Nhật không kiệm lời khen nhân viên nhưng bạn đừng tự mãn. Khiêm tốn luôn là một đức tính được đánh giá cao ở Nhật. Như các bạn đã biết chăm chỉ là một trong những đức tính điển hình cho tính cách Nhật. Trong công việc, người Nhật chỉ có khái niệm “hết việc” chứ hoàn toàn không có khái niệm “hết giờ”. Ngay cả ở Việt Nam bạn sẽ “đẹp” lên trong mắt sếp và đồng nghiệp nếu bạn là người chăm chỉ và yêu lao động. Điều đó, càng quan trọng hơn khi làm việc ở Nhật.

Ban đầu đến Nhật có thể bạn sẽ có cảm giác đơn độc, đừng vội nghĩ người Nhật lạnh lùng mà hãy mở rộng lòng mình, luôn chào hỏi thân thiện và hãy nở một nụ cười. Bạn sẽ thấy nụ cười sẽ làm thay đổi nhiều điều trong các mối quan hệ của bạn nơi làm việc.

Khép lại buổi trò chuyện, anh Văn Hải chúc các bạn kỹ sư KS7 & KS8 có đủ bản lĩnh, ý chí vượt qua mọi khó khăn để đạt được những mục tiêu ngắn hạn và mục đích cuối cùng khi tham gia chương trình “Xây dựng thương hiệu và đẳng cấp kỹ sư Việt Nam.”


Kỹ sư Văn Hải chụp hình lưu niệm cùng thầy Bình và các bạn kỹ sư KS7

scroll top