Katherine Graham - Một huyền thoại của giới truyền thông

Người ta thường nói rằng Katharine Graham sống hai cuộc đời: Một cuộc đời như bà tự miêu tả là “bà vợ bị chà đạp” và cuộc đời kia là người dẫn dắt 500 gã khổng lồ của ngành truyền thông.

Người đàn bà sinh năm 1917 này là con thứ trong một gia đình có 5 người con ở New York. Cha bà là chủ ngân hàng, còn mẹ bà là một học giả nhà giao tế xã hội xuất sắc, tất bật với những bữa tiệc tùng và hội họp. Bà là người thông minh, biết rộng nhưng cũng nhiều tham vọng.

/upload/fck/2014/09/23/1411455025300.jpg

Mặc dù sinh ra trong một gia đình giàu có và danh vọng, nhưng tuổi thơ của bà dường như lại không hề nhận được nhiều tình yêu thương của cha mẹ. Một phần có lẽ do diện mạo hết sức bình thường, thậm chí có phần xấu xí của bà không tương xứng với vị trí và danh tiếng gia đình. Vì vậy, Katherine luôn tự ti về bản thân, rụt rè và nhút nhát trước đám đông.

Khi yêu và kết hôn với Philip Graham - một luật sư tốt nghiệp Đại học Havard và làm việc cho Tòa án Stanley Reed từ trước Chiến tranh Thế giới thứ hai vào tháng 6/1940, bà thậm chí không thể hiểu nổi tại sao một người hấp dẫn như thế lại lấy bà làm vợ. Nhưng bù lại, bà lại rất chăm chỉ và ham học, yêu thích viết lách và thực sự có năng khiếu về lĩnh vực này.

Năm 1933, trong một cuộc bán đấu giá các công ty sắp phá sản, cha của Katherine đã bỏ ra 820 nghìn USD để mua lại Washington Post. Nhưng tờ báo có chất lượng khá thấp, số lượng người đọc thấp nhất trong 5 tờ báo ở Washington. Cha bà không trao tờ báo cho con trai là Eugene III vì cậu theo ngành Vật lý, còn với cô con gái thì ông lại cho rằng không thích hợp để lãnh đạo tờ báo chút nào.

Vì thế ông đã trao quyền lãnh đạo cho con rể vào năm 1945. Philip Graham đã tiếp quản tờ Washington Post từ tay bố vợ từ đó. Lúc này, Katharine chỉ tập trung vào vai trò làm vợ, một lòng một dạ lo cho gia đình, không một lời oán trách, nuôi dạy bốn đứa con và ủng hộ chồng mình trong công việc.

Phillip Graham thu hút được sự chú ý của mọi người khi mua lại tờ “News Week”, một tờ báo khá nổi tiếng lúc bấy giờ vào năm 1961. Đây là bước đi đầu tiên của tham vọng biến tờ báo địa phương như Washington Post trở thành một tờ thời báo cho toàn nước Mỹ. Trong khi người chồng dần khẳng định thành công, hình ảnh của Katherine vẫn hoàn toàn mờ nhạt. Trong các buổi yến tiệc, bà luôn được bố trí ở chỗ ngồi hết sức khuất nẻo, khiêm nhường, thậm chí ngay cả những người thân cũng bỏ qua bà.

Cuộc đời của Katherine Graham có lẽ sẽ mãi chỉ là chiếc bóng nếu như không có một biến cố của ông hồi tháng 8 năm 1963. Từ một người nội trợ gia đình, góa phụ 46 tuổi Katharine bước qua những tự ti để ráng sức gồng gánh tờ báo.

Trong xã hội lúc bấy giờ, số lượng phóng viên là nữ đã rất hiếm hoi chứ chưa nói đến một nhà lãnh đạo nữ của một công ty truyền thông. Chính vì vậy, khi Katherine tiếp nhận công việc quản lý Washington Post từ chồng mình, những lo ngại và hoài nghi về năng lực của bà từ mọi người và chính bản thân bà là lẽ đương nhiên.

Điều này cũng không phải là vô lý khi họ biết bà vốn là một người nhút nhát và thiếu tự tin, hoàn toàn không phù hợp với công việc điều hành một tờ báo. Thậm chí ngay cả việc nói chuyện với phóng viên cũng làm bà cảm thấy lo âu. Khi công ty tổ chức tiệc giáng sinh, bà đã phải bỏ nhiều thời gian luyện tập chỉ để nói tốt lời chúc mừng “Giáng sinh vui vẻ!” đến các nhân viên của mình.

Điều quan trọng là người góa phụ ấy đã không bỏ cuộc. Katherine bắt đầu học những người khác xung quanh mình ngay cả với những người dưới quyền. Từ nghiệp vụ cơ bản của báo chí, cách điều hành một tờ báo, một công ty truyền thông như thế nào, đến các cách thức kinh doanh trong thương trường đều được bà hấp thụ rất nhanh chóng. Bà đã tận dụng lợi thế nữ tính để làm hạt nhân trong quản lí, một điều mà các đồng nghiệp nam không thể có được.

Khi bắt đầu nhận chức, điều đầu tiên mà Katherine quan tâm là phải tìm một tổng biên tập tài năng để quản lý nội dung của tờ báo. Nhà văn Lippmann nói với bà: “Ở News Week có một thiên tài, tên là Bradley”. Bà lập tức mời Bradley đi ăn trưa. Trong bữa ăn bà đã hỏi ông ta thích vị trí nào ở Washington Post. Bradley cho rằng đây là một câu chyện đùa nên cười và nói: “Nếu là tổng biên tập, tôi sẽ đồng ý ngồi vào”. Bà ngay lập tức bổ nhiệm Bradley làm tổng biên tập và trao toàn bộ quyền hành cho ông. Tờ báo thay da đổi thịt từ quyết định trọng yếu và nhanh chóng này.

Với những nhân viên của Washington Post, sự khuyến khích và tôn trọng của Katherine Graham đối với phóng viên, biên tập chính là điều mà họ thích nhất. Bà luôn tin tưởng vào công việc của các phóng viên và biên tập viên, và luôn dũng cảm thừa nhận trách nhiệm của mình. Trong những thời điểm khó khăn nhất, bà cũng làm việc thâu đêm, quên mình như những nhân viên khác mà không một lời trách móc.


Chính vì vậy, uy tín và vị trí của bà ngày càng được nâng cao trong con mắt của các nhân viên và cả các lãnh đạo nam giới. Thế nhưng, cái tên Katherine Graham và Thời báo Washington Post thực sự trở nên lừng lẫy và trở thành huyền thoại của giới truyền thông là sau sự kiện gây chấn động nước Mỹ - sự kiện Watergate năm 1972, khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.

Khi đó, bất chấp sự khủng bố ngầm của chính quyền Nixon, bà Katherine vẫn quyết định điều tra sâu để phơi bày những tài liệu mật của Lầu Năm Góc về cuộc chiến tranh Việt Nam lên trang báo. Ngoài ra, vụ điều tra của Washington Post còn phanh phui hành động “chơi xấu” đặt máy nghe lén của đảng Cộng hòa cầm quyền nhằm phá hoại các hoạt động tranh cử của đảng đối lập. Đây cũng là lời kêu gọi các tờ báo, tập đoàn truyền thông khác dũng cảm chiến đấu vì sự thật, là một bước thay đổi lớn trong lịch sử truyền thông. Một năm sau, Wasington Post giành được giải thưởng Pulitzer, xác lập được địa vị của một tờ báo lớn ở nước Mỹ. Cuốn tự truyện “Lịch sử bản thân” cũng đem về cho Katherine một giải Pulitzer vào năm 1998.

Tổng hợp

scroll top