Lịch sử đường sắt Nhật Bản không phải lâu đời nhưng những thành tựu của họ đã làm cả thế giới phải nể phục. Ở Nhật có khá nhiều SCMaglev trưng bày về tàu hỏa, tàu điện và một trong số đó là SCMaglev and Railway Park ở Nagoya.
Những toa tàu nhiều thế hệ
Nhà trưng bày có 2 tầng, tầng trệt dành toàn bộ diện tích cho 39 toa và đầu tàu các loại từ thời kỳ đầu đến hiện tại. Ngay sau cửa vào, 3 đầu tàu C62, Class 955 (300X), MLX01-1 tượng trưng cho 3 thế hệ nằm sừng sững trước màn hình lớn bên trên chiếu những đoạn video kể về lịch sử ngành đường sắt Nhật Bản.
C62 là đầu tàu chạy bằng hơi nước lần đầu được sản xuất năm 1948 và là loại lớn nhất bấy giờ, Class 955 (300x) là Shinkansen được phát triển năm 1994 bởi Công ty đường sắt trung tâm Nhật Bản - Central Japan Railway Company với tốc độ 300 km/giờ. MLX01-1 mẫu tàu chạy trên đệm từ trường sản xuất năm 1995.
Mới thành lập từ năm 2011 và quản lý bởi công ty đường sắt Nhật Bản - Japan Railway nên SCMaglev and Railway Park thừa hưởng những gì mới nhất và hiện đại nhất của một nhà trưng bày. Gian thứ 2 trưng bày tàu Shinkansen Series 300 Class323, Series Class323, Series 100Class123 và những chiếc toa xe, đầu máy hơi nước như Hoji6005, C57, ED18, ED 11... Tất cả du khách đều có thể bước vào bên trong để xem cũng như cảm nhận sự khác nhau trên từng con tàu.
Đầu máy Kuro 381 và Kumoha 165
Tại sao người Nhật tiếp tục phát triển Shinkansen? Muốn tìm câu trả lời, bạn hãy bước sang dọc theo hành lang bên trái của tòa nhà, nơi những minh họa chi tiết được trình bày dễ hiểu. Động cơ, bộ dẫn điện, ghế ngồi, khu bán vé và cửa vào sân ga đều được minh họa chân thật. Các em nhỏ có thể đẩy cần gạt và xem bánh xe chuyển động, thử mua vé trên máy tự động hay xem video về cách thay đường ray, bảo dưỡng đường sắt.
SCMaglev and Railway Park có giá vé cho người lớn 1.000 yen (khoảng 220.000 đồng), học sinh 500 yen và trẻ em trên 2 tuổi 200 yen. Audio Guide 500 yen/giờ. Nên dành ít nhất 2-3 tiếng để tham quan. Mở cửa 10 giờ 30 - 17 giờ 30 các ngày trong tuần trừ thứ ba. Từ ga Nagoya, bạn chọn tuyến Aonami đến ga Kinijofuto (24 phút) sau đó đi bộ (khoảng 2 phút) để đến bảo tàng. |
Cuối sảnh trưng bày, những con tàu cổ xưa đã cho thấy định hướng và sự phát triển của Nhật Bản trong ngành đường sắt. 13 toa xe của các con tàu nhiều thế hệ như Series 0 Class 16 sản xuất năm 1986 đã đạt đến vận tốc 220 km/giờ, Series 0 Class 37 sản xuất năm 1983 có cùng vận tốc.
Những tàu điện của Nhật xưa hơn như Class Kumoha 165 sản xuất năm 1966 có thể chạy 110 km/giờ hay tàu điện Class Moha 63 cũng đạt 95 km/giờ khi được xuất xưởng năm 1947 (chỉ 2 năm sau Thế chiến thứ 2).
Toa tàu ở gần cuối thu hút khá nhiều du khách quan sát. Đó là một toa xe với vài chục mũi kim loại viền theo thành chĩa ra tua tủa, đây chính là toa xe tiêu chuẩn (chiều ngang 3,8 m; cao 4,3 m) để kiểm tra đảm bảo các công trình hai bên đường ray không quá gần gây ảnh hưởng đến giao thông của các đoàn tàu.
Sau khi đi qua những con tàu thế hệ mới, đến các toa tàu cổ để gợi nhớ về một thời quá khứ. Trên toa xe Hoji 6005, người ta vẫn thấy cách bài trí ghế ngồi dọc thân tàu và những tay nắm bọc nhựa dẻo cũ kỹ. Hay tại đầu máy hơi nước C57 mang số hiệu 139, bạn có thể chụp hình cùng với tấm bảng hiệu của con tàu ra đời năm 1940 có vận tốc tối đa 100 km/giờ.
Một bảo tàng/nhà trưng bày tiên tiến bậc nhất
Theo một xu hướng hiện đại, SCMaglev and Railway Park mang đến cho người xem những tương tác gần gũi nhất để họ cảm nhận rõ ràng nhất về ngành đường sắt. Những người lớn có thể thử ngồi vào ghế điều khiển con tàu Shinkansen để tìm hiểu mọi hoạt động bên trong và bên ngoài con tàu dưới sự giới thiệu tận tình của các nhân viên.
Ghé vào khu vực mô hình thu nhỏ, những tiếng trầm trồ “sugoi, sugoi” (tạm dịch thật là đáng nể) của du khách Nhật vang lên không ngớt. Bên cạnh những đoàn tàu đang chạy qua là sân khấu đại nhạc hội với cả ngàn người mà mỗi người chỉ lớn hơn đầu cây tăm một chút, hay bãi biển với những người đang tắm nắng và lũ cá bơi lội bên dưới với kích thước 0,5 cm. Quang cảnh sống động với lá phong đỏ vàng trên đền Kiyomizu ở Kyoto hay hoa anh đào tao nhã bên đường hoặc Tokyo với tháp truyền hình sơn hai màu đỏ - trắng đặc trưng.
Người Nhật quả là một dân tộc đáng khâm phục không chỉ bởi ngành đường sắt mà ngay cả trong cách bài trí, xây dựng, cung cấp thông tin cho một bảo tàng. Tôi đứng đó xúc động và không khỏi buột miệng từ sugoi với anh bạn đồng hành.
Theo Báo Thanh Niên