Fukushima sinh năm 1962 ở thành phố Kobe. Hồi nhỏ, anh hoàn toàn khoẻ mạnh như mọi đứa trẻ bình thường khác. Năm lên 3 tuổi anh bị hỏng mắt phải, do mắc bệnh viêm mắt. Năm lên 9 tuổi, bệnh glaucoma (tức bệnh thiên đầu thống) đã cướp đi của anh bên mắt trái còn lại. Không chỉ thế, vài năm sau Fukushima lại sững sờ chết lặng người khi được biết thính giác của anh cũng đang bị mất dần. Sau đó, giọng nói của bạn bè, người thân và giai điệu những bản nhạc mà anh yêu thích… cứ mờ dần. Đầu năm 18 tuổi thì anh bị điếc hẳn.
Tuy số phận nghiệt ngã bắt Fukushima phải sống trong một thế giới chỉ có bóng đêm im lìm vây quanh, điều mà anh gọi là "sự cô độc tuyệt đối”, nhưng hoàn cảnh đã không thể cướp đi được của anh niềm tin và hy vọng ở cuộc đời. Thay cho sự bi quan và tuyệt vọng, Fukushima tự tìm ra cho mình được lẽ sống để vươn lên. Sự cố gắng tột bậc của anh đã được đền bù một cách xứng đáng: Năm 1987 anh đã trở thành người đầu tiên đồng thời bị hai khuyết tật là khiếm thính và khiếm thị ở Nhật Bản tốt nghiệp một trường đại học. Năm 2001, Fukushima đã giành thêm được một thành công rực rỡ nữa: anh đã trở thành giáo sư của Đại học Tokyo, trường đại học danh tiếng nhất nước Nhật, ở tuổi 38. Anh là tác giả hoặc đồng tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có một cuốn đã trở lên rất nổi tiếng ở Nhật mang tên “Một ngày kỳ lạ ở ngôi nhà Watanabe”.
Fukushima đã trở thành lãnh đạo một khoa của Đại học Tokyo chuyên nghiên cứu hỗ trợ người khuyết tật khắc phục những khó khăn trở ngại của bản thân để có thể vươn lên hoà nhập với xã hội và thành đạt như những người không khuyết tật khác. Năm 2003, Giáo sư Fukushima đã được tạp chí Time bầu là Anh hùng Châu Á.
Tấm gương thành công của Giáo sư Fukushima đã làm bùng nổ nhiều cuộc thảo luận về quyền và vai trò của người khuyết tật trong xã hội Nhật Bản, đồng thời góp phần phá vỡ nhiều thành kiến đã tồn tại từ trước đến nay đối với họ. Về phần mình Fukushima rất khiêm tốn cho rằng tất cả mọi thành công mà anh đã có được đều là nhờ có sự giúp đỡ tận tình của những bạn bè và người thân của anh. Trong đó, phải kể đến mẹ anh, người đã luôn ở bên anh để động viên giúp đỡ anh vượt qua sự bi quan tuyệt vọng khi Fukushima bị thêm khuyết tật thứ hai, khiến anh mất đi khả năng giao tiếp bằng âm thanh với thế giới xung quanh. Chính mẹ anh là người đã sáng chế ra một cách thức giao tiếp mà sau này được gọi là ngôn ngữ Braille ngón tay (FingerBraille). Đó là cách giao tiếp bằng cách tiếp xúc các đầu ngón tay giữa hai người đối thoại để biểu diễn loại chữ nổi Braille. Ở trường đại học, một nhóm sinh viên bạn anh đã đứng ra học ngôn ngữ Braille ngón tay để làm những phiên dịch viên hàng ngày ở bên Fukushima, giúp anh tiếp thu được bài giảng trên lớp thông qua loại ngôn ngữ nói trên.
Từ lâu, Giáo sư Fukushima cho biết, có một mục đích lớn mà anh theo đuổi và quyết tâm phải hoàn thành cho bằng được, đó là thành lập ở Nhật Bản một trung tâm tương tự như Trung tâm Quốc gia Helen Keller dành cho người đồng khiếm thính và khiếm thị ở Mỹ. Đó là một trung tâm hàng đầu thế giới về giáo dục, nghiên cứu, đào tạo hướng nghiệp và phục hồi chức năng cho người khiếm thính và khiếm thị.
Sau rất nhiều nỗ lực của anh, bao gồm cả việc thuyết phục chính quyền Tokyo, tháng 5/2009, một trung tâm đầu tiên như vậy ở Nhật Bản đã được đưa vào hoạt động ở thủ đô Tokyo. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ thông dịch và những hỗ trợ khác cho người đồng khiếm thính và khiếm thị ở Tokyo, trung tâm này sẽ được dùng làm mô hình mẫu để phát triển những trung tâm tương tự khác ở Nhật Bản. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, ở nước này hiện có 22.000 người bị cả hai khuyết tật khiếm thính và khiếm thị, trong đó có hơn 10% sống ở Tokyo.
Fukushima coi việc thành lập trung tâm này là bổn phận của anh với tư cách là một người khuyết tật đã có được những sự may mắn đặc biệt. Anh nói “Tôi không có quyền lẩn tránh nghĩa vụ này. Lúc này không ai khác có thể thay thế được vị trí của tôi. Bởi thế tôi sẽ tiếp tục thực hiện vai trò của mình”.
Xin chúc mừng Giáo sư Fukushima đã thực hiện được kế hoạch đầy tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của anh. Tin rằng, trung tâm này sẽ giúp cho nhiều người khuyết tật ở Nhật Bản có điều kiện để vươn tới sự thành công và khẳng định vai trò của mình trong xã hội như tấm gương của anh.
Theo Báo Giáo dục & Thời đại